Kinh tế
VRG đẩy mạnh hoạt động tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
01:36 PM 29/03/2024
(LĐXH) - Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty Cổ phần năm 2024 (VRG) vừa có quyết định, triển khai kế hoạch hoạt động tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Tập đoàn năm 2024. Phấn đấu đến cuối năm 2024, Tập đoàn có 40-45% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất tại Việt Nam đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC-FM) và 75-80% nhà máy chế biến mủ cao su tại Việt Nam đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC).

VRG phấn đấu, đến cuối năm 2024, có 40-45% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất tại Việt Nam đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững 

Theo kế hoạch, trong năm 2024, VRG phấn đấu giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 2% so với định mức sử dụng năng lượng năm 2023, bao gồm: Nguồn trực tiếp, phát thải do sử dụng nhiên liệu trực tiếp trong sản xuất (dầu DO, gas LPG, gỗ, củi, than đá,...). Nguồn gián tiếp, phát thải do sử dụng năng lượng mua từ bên ngoài (điện năng, nhiệt năng…).

Cùng với đó, VRG cũng sẽ đẩy mạnh xanh hóa chuỗi cung ứng, cụ thể: Xây dựng và thực hiện lộ trình tái kết nối với Hội đồng Quản lý Rừng (FSC); tích cực làm việc với FSC, đơn vị tư vấn nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện hướng đến lộ trình tái kết nối với FSC, cụ thể hóa nội dung trong lộ trình, tính khả thi trong việc thực hiện các bước tiếp theo của Điều khoản tham chiếu (ToR) để có phương án và lộ trình thực hiện phù hợp. Thực hiện Chứng nhận của quốc gia và quốc tế về quản lý bền vững rừng cao su và nhà máy chế biến; tiếp tục theo dõi và hỗ trợ các đơn vị đang triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững nhằm đáp ứng Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững; Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống VFCS/PEFC-FM và Chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC).

Theo VRG cho biết, mục tiêu đến cuối năm 2024, Tập đoàn có 40-45% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất tại Việt Nam đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC-FM) và 75-80% nhà máy chế biến mủ cao su tại Việt Nam đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC).

Cùng với đó, VRG khuyến khích các công ty tự triển khai thêm diện tích chưa thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững ngoài kế hoạch được Tập đoàn giao để hoàn chỉnh hệ thống quản lý. Xây dựng và triển khai các giải pháp quảng bá, tiếp thị sản phẩm là mủ và gỗ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững… Tiếp tục tập trung đeo bám và quyết liệt để đạt mục tiêu các đơn vị có chứng chỉ rừng bền vững được hưởng dịch vụ môi trường rừng theo Luật lâm nghiệp. Thực hiện Chứng nhận về doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Cùng với đó, VRG sẽ hỗ trợ các công ty thành viên chuẩn bị và hoàn thành hồ sơ đăng ký theo chương trình. Mục tiêu cuối năm 2024, phấn đấu duy trì số lượng 16-18 đơn vị đạt Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2024, trong đó có 1 đơn vị đạt Top 10 nhằm nâng cao uy tín của công ty thành viên và của Tập đoàn.

Thực hiện Chứng nhận đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo EcoVadis. Nghiên cứu triển khai thực hiện chứng nhận đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo EcoVadis cho Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của khách hàng sản xuất lốp xe.

Nghiên cứu và tham mưu thực hiện tín chỉ các-bon; theo dõi và tham mưu về dự luật chống phá rừng và suy thoái rừng (EUDR); thực hiện các giải pháp về phát triển bền vững. Ngoài ra, còn tăng cường tiếp thị sản phẩm có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; triển khai thực hiện dự án GIS.VRG trong quản lý rừng bền vững.

VRG đảm bảo trả lương đúng, đủ cho người lao động theo quy định với mức lương bình quân tương đương hoặc cao hơn mức lương tối thiểu trong vùng

Song song đó, VRG sẽ tiếp tục xanh hóa quy trình sản xuất: Tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm xả thải và chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh/năng lượng tái tạo; hoàn chỉnh các hệ thống quản lý theo ISO; thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế,…

Đặc biệt quan tâm, xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm và nâng cao năng lực chống chịu. Trong đó, tăng cường nâng cao nhận thức về các hoạt động tham vấn, kết nối cộng đồng và thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc. Phối hợp với các tổ chức giám sát việc thực hiện, đánh giá, tổng kết và tuyên truyền phổ biến kết quả đạt được.

Đảm bảo trả lương đúng, đủ cho người lao động theo quy định với mức lương bình quân tương đương hoặc cao hơn mức lương tối thiểu trong vùng. Tất cả người lao động được ký hợp đồng, được cấp trang phục, vật dụng bảo hộ và an toàn lao động, được chăm lo sức khỏe và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định. Hỗ trợ nhà ở cho một số công nhân ở vùng sâu vùng xa. Tổ chức đào tạo người lao động để thực hành tốt, nâng cao năng suất và chất lượng công việc, có kế hoạch cụ thể hàng năm. Đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định pháp luật quốc gia và công ước quốc tế được quốc gia ký kết.

Ngoài ra, còn tiếp tục đầu tư an sinh xã hội cho người lao động và cộng đồng địa phương theo nhu cầu thực tế, đồng thuận của địa phương và phù hợp với nguồn lực, kế hoạch của đơn vị. Tạo điều kiện cải thiện sinh kế, đời sống và góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương. Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đào tạo, tập huấn và thực hiện tham vấn cộng đồng theo quy định và nguyên tắc quốc tế, phương án quản lý rừng bền vững, đầu tư an sinh xã hội, bảo tồn và phục hồi rừng, quản lý tài nguyên nước, bảo vệ đất chống xói mòn, xử lý chất thải… Có cơ chế tiếp nhận, xử lý các phản ánh, khiếu nại của cộng đồng địa phương; tôn trọng quyền hợp pháp của các bên liên quan.

Đăng Hải